Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Bố Đại Hòa Thượng




Bố Đại là một Thiền sư Trung Quốc ở thế kỉ thứ 10. Tương truyền Sư hay mang trên vai một cái túi vải bố, có nhiều phép mầu và có những hành động lạ lùng mang tính chất "cuồng thiền". Lúc viên tịch, Sư mới thổ lộ cho biết chính Sư là hiện thân của Di-lặc, vị Phật tương lai. Trong nhiều chùa tại Trung Quốc và Việt Nam, người ta hay trình bày tượng Di-lặc dưới dạng của Bố Đại mập tròn vui vẻ, trẻ con đeo chung quanh.
Bố Đại ở Phụng Hóa Minh Châu triều Lương đời Ngũ Đại, tự xưng là Khế Thử. Hình dạng Sư thì lùn, mập, nói năng tự tại, ăn ngủ tùy tiện. Sư thường mang một bao bố trên vai để bỏ vào đó những vật người cúng dường. Sư được quần chúng mến phục vì có tài tiên tri thời tiết mưa nắng. Một khi Sư ngủ ngoài đường, mọi người biết trời sẽ tốt, ngược lại lúc Sư đi giày dép và kiếm chỗ tạm trú thì trời sẽ mưa.
Tính tình của Sư rất "ngược đời", đúng như tinh thần Thiền tông. Trả lời câu hỏi già trẻ bao nhiêu, Sư nói "già như hư không." Giữa chợ, có người hỏi tìm gì, "ta tìm con người", Sư trả lời. Một hôm có vị tăng đi phía trước, Sư liền vỗ vai ông ta nói: "Cho tôi xin một đồng tiền." Vị tăng bảo: "Nói được thì tôi cho ông một đồng tiền." Sư liền bỏ bao xuống đất đứng im lặng khoanh tay.
Sư có nhiều thần thông, ngủ ngoài tuyết, tuyết không rơi vào mình. 
Ngài Bố Đại Hòa Thượng là một vị có tấm lòng Từ Bi rộng lớn. Khi đi khắp đường lớn hẻm nhỏ, xin được bao nhiêu vật phẩm, Ngài lại phân phát cho lũ trẻ hay cùng Ngài nô đùa, chỉ giữ lại một ít lương thực để lót dạ.
Có người khinh bỉ, chửi mắng, nhổ cả nước bọt vào Ngài, như Ngài vẫn cứ thản nhiên bảo:
-"Nước bọt nhổ lên mặt, cứ để đó mau khô thôi".
Một vị Cư sĩ hỏi Bố Đại Hòa Thượng rằng:
"Hòa thượng đi đây đó, có đem đồ hành lý hay không?"

Ngài bèn đọc bài kệ :
Bình bát cơm ngàn nhà,
Thân chơi muôn dặm xa;
Mắt xanh xem người thế,
Mây trắng hỏi đường qua.
Trước khi tịch, Sư ngâm câu kệ:

Di-lặc, Chân Di-lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân tự bất thức.
Di-lặc, chân Di-lặc
Phân thân trăm ngàn ức
Luôn luôn bảo người đời
Người đời tự chẳng biết.
Sau khi chết, có người vẫn thấy Sư ở nơi khác tại Trung Quốc. Người đời sau vẽ lại hình Sư với bị gạo và từ đó sinh ra hình Bồ Tát Di-lặc, ngày nay ở đâu cũng có.
~~ooo~~

Với một nụ cười hỷ xả, trong một tư thế ngồi thoải mái, Ngài Di Lặc qua hóa thân Bố Đại Hòa Thượng, xuất hiện như một Thiền Tăng cuồng ngạo và vui tươi. Đó là hình ảnh ước mơ về một đời sống thanh bình trong những tiếng cười ròn rã. 
Bố Đại Hòa Thượng, theo sự tích được chép lại trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục: Quê ở Minh Châu, huyện Phụng Hóa, trong vùng Chiết Giang ngày nay. Không ai rõ tên họ Ngài là gì, chỉ biết Ngài tự gọi là Bố Đại Hòa Thượng, nghĩa là Hòa Thượng Túi Vải. Tướng người mập mạp, trán hẹp, bụng lớn, như trong các tranh vẽ thường thấy ngày nay. Nói năng vô định, ngủ thì tùy chỗ; thường dùng một cây gậy, quảy một cái túi vải, hễ ai cúng cho món gì, Ngài bỏ cả vào trong túi. Vào chợ, vào xóm, thấy cái gì là xin cái đó, bất kể cá ươn hay rau thúi. Xin được, bỏ vào miệng; còn lại thì bỏ vào túi. Người thời bấy giờ gọi là "Trường Đinh Tử Bố Đại Sư", tức là "ông sư túi vải cây đinh dài". 
Có lần Ngài nằm trong tuyết, mà tuyết không thấm ướt đến mình. Người ta thấy thế cho rằng Ngài là một nhân vật kỳ lạ. Nếu Ngài đến xin hàng bán của ai, hàng đó nhất định sẽ bán chạy. Trời sắp sửa mưa, chắc chắn người ta sẽ thấy Ngài mang đôi guốc gỗ đẫm ướt đi bươn bã trên đường. Lúc trời hứa hẹn một ngày nắng ráo, người ta thấy Ngài treo cao đôi guốc gỗ trên cầu, nằm co chân mà ngủ. Cư dân lấy đó mà nghiệm thì có thể biết thời tiết sẽ tới. Cuộc đời Ngài để lại một số giai thoại đầy ẩn ngữ: 
Một thầy Tăng đi phía trước Ngài. Ngài chạy tới vỗ vào lưng. Thầy Tăng quay đầu lại, Ngài nói: - Cho xin một quan tiền. 
Thầy Tăng trả lời: - Nói được thì tôi cho Ngài một quan tiền ngay. Ngài bỏ túi xuống, khoanh tay đứng 
Lần nọ, Hòa thượng Bạch Lộc hỏi Ngài: - Túi Vải (Bố Đại) là thế nào? Ngài bỏ túi vải xuống. Hòa thượng Bạch Lộc lại hỏi nữa: - Cái việc của túi vải là thế nào? Ngài quảy lên vai mà đi. 
Lần khác, Hòa thượng Tiên Bảo Phúc hỏi: - Chỗ cốt yếu của Phật pháp là thế nào? Ngài bỏ túi vải xuống, khoanh tay đứng. Bảo Phúc nói: - Chỉ có vậy, hay có cái gì khác hơn nữa? Ngài liền quảy lên vai mà đi. 
Có một lần Ngài đứng giữa ngã tư, một thầy Tăng hỏi: - Hòa thượng làm gì ở đó? - Ngài đáp: - Đợi một người. 
- Đến rồi! Đến rồi!; - Ông không phải là người đó; - Ngài đó thế nào?; - Cho xin một quan tiền. 
Ngài có làm bài ca như sau: 
Chỉ cá tâm tâm tâm thị Phật
Thập phương thế giới tối linh vật
Tung hoành diệu dụng khả liên sanh
Nhất thiết bất như tâm chân thật
Đằng đằng tự tại vô sở vi
Nhàn nhàn cứu cánh xuất gia kiến
Nhược đồ mục tiền chân đại đạo
Bất kiến tiêm hào dã đại kỳ
Vạn pháp hà thù tâm hà dị
Hà lao cánh dụng tầm kinh nghĩa
Tâm vương bổn tự tuyệt đa tri
Trí giả chi minh vô học địa
Phi Thánh phi phàm phục nhược hồ
Bất cưỡng phân biệt thánh tình cô
Vô giá tâm châu bổn viên tịch
Phàm thị dị tướng vọng không hô
Nhơn năng hoằng đạo đạo phân minh
Vô lượng thanh cao xứng đạo tình
Huề cẩm nhược đăng cố quốc lộ
Mạc sầu chư xứ bất văn thinh

(Chính đó tâm tâm tâm là Phật
Mười phương thế giới nó linh nhất
Dọc ngang diệu dụng có gì đâu
Nhất thiết sao bằng tâm chân thật
Ngời ngời tự tại chẳng làm chi
Phới phới rồi xa xuất gia thấy
Nếu thấy trước mắt đạo lớn thật
Không thấy tơ hào mới quá kỳ
Vạn pháp y nhiên tâm vẫn vậy
Nhọc gì mà phải tìm nghĩa kinh
Tâm vương vốn đã biết cùng khắp
Người trí chỉ cần cái không học
Chẳng phàm, chẳng Thánh, kể mà chi
Chớ gượng phân biệt thì rõ Thánh
Tâm châu vô giá vốn tròn sáng
Phàm là dị tướng tạm gọi không
Người nay hoằng đạo, đạo phân minh
Vô lượng thanh cao xứng đạo tình
Quảy gánh bước lên đường cố quốc
Lo gì khắp chốn chẳng nghe danh)

Ngài còn làm bài kệ khác nữa:  
Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Thanh mục đỗ nhơn thiểu
Vấn lộ bạch vân đầu

(Chiếc bát cơm ngàn nhà
Thân côi muôn dặm xa
Mắt xanh nào ai có
Hỏi đường mây trắng qua)
Đời Lương, niên hiệu Trinh Minh thứ hai, năm Bính Tý, tháng Ba , khi sắp thị tịch, Ngài có nói bài kệ:  
Di lặc chân Di lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhơn
Thời nhơn tự bất thức

(Di lặc thiệt Di lặc
Hóa thân trăm nghìn ức
Thường hiện cho người đời
Người đời không ai biết)
Nói kệ xong, Ngài yên lành mà tịch. Về sau, ở châu khác, có người cũng thấy Ngài mang túi vải mà đi. Nhân đó, người ta mới tranh nhau vẽ tượng Ngài. Toàn thân của Ngài cho tới đời nhà Tống, còn được thấy tại chùa Nhạc Lâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét