Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Kim Cang Trì - VajraDhara


Vajradhara nghĩa đen là bậc trì giữ kim cương. Đức Phật Kim Cương Trì Vajradhara là Đức Phật nguyên thủy, hiện thân của tất cả chư Phật trong ba đời và là tinh túy của tam thân - thân của chư Phật. Đức Phật Kim Cương Trì cũng biểu trưng cho Pháp thân Phật và khía cạnh tuyệt đối của sự giác ngộ.
Phật Vajradhara là sự biểu lộ cao nhất của giác ngộ, sự đại diện thấy được của Pháp thân. Nghĩa đen của "Vajra" là kim cương, nhất là trong phương diện cứng chắc không thể bể nát của nó. Trong nghĩa cao hơn, Vajra để chỉ bản tánh nội tại của giác ngộ – sự hợp nhất bất khả hoại và bất khả phân của trí huệ siêu việt và lòng bi vô hạn, cũng như lạc tối thượng và tánh không tối hậu.
Là sức mạnh vũ trụ tối cao khởi từ cõi giới Pháp thân, Vajradhara tượng trưng sức mạnh hợp nhất tối thượng và nguồn bi mở khắp. Trong Vajradhara mọi hình tướng Báo thân, mọi phẩm tính và công năng của chúng được thống nhất. Từ đó Vajradhara được diễn tả là sự thống nhiếp toàn khắp của mọi thuộc tính của giác ngộ.
Ngài là hiện thân của sự tinh túy siêu việt của Phật tính với tay phải trì giữ chày Kim cương (biểu thị phương tiện), tay trái của Ngài giữ linh (biểu hiện trí tuệ). Hai tay bắt chéo trước ngực, Kim cương trì là sự đại diện tuyệt đối của Bất nhị và tánh Không đó là Mahamudha (Đại ấn), sự hợp nhất vĩ đại - sự chứng thực tuyệt đối. Đây là mục đích tối thượng mà tất cả các hành giả đều tinh tiến nỗ lực vươn tới.
Trong Truyền thống Mới, Ngài là Đức Phật nguyên thuỷ, nguồn mạch của mọi tantra. Trong Truyền thống Cũ, Vajradhara tượng trưng cho nguyên lý của vị Thầy như bậc trì giữ giác ngộ của giáo lý Kim Cương Thừa.
Trong mật thừa, Đức Phật Kim Cương Trì là tâm điểm của dòng truyền thừa Kagyu bởi vì tổ của dòng là Đức Tilopa đón nhận trực tiếp giáo pháp Kim Cương Thừa từ Đức Kim Cương Trì, đức Báo thân Phật. Trong dòng Nyingma, Đức Kim Cương Trì được coi là bất khả phân với Đức Liên Hoa Sanh. Trong hiển thừa, ngài chính là vị cư sĩ vĩ đại Duy Ma Cật đã giúp Phật Thích Ca dạy dỗ các đại đệ tử và bồ tát 2500 năm trước.
~~oOo~~
Vajradhara là Đức Phật nguyên thủy là tinh túy của Tam Thân, hóa thân của hết thảy ba đời chư Phật. Vajradhara là biểu trưng Pháp Thân Phật, vì vậy cũng chính là biểu trưng sự chứng ngộ tuyệt đối.
Dòng truyền thừa Drukpa bắt nguồn từ Đức Phật Vajradhara vì Ngài là hóa thân chân thực của tinh túy vô thượng Phật quả. Hai tay Ngài bắt chéo trước ngực, tay phải cầm chày kim cương (tượng trưng phương tiện), tay trái cầm chuông (tượng trưng trí tuệ). Vajradhara biểu trưng hữu không bất nhị cùng cứu kính bất nhị cũng chính là Đại Hợp nhất 'Mahamudra' - sự thực chứng tối thượng mà tất cả hành giả Drukpa đều hướng tới.


Phật Đảnh Tôn Thắng - Usnisa Vijaya


Phật Đảnh Tôn Thắng, tên tiếng Phạn là Usnisa Vijaya, là vị Phật nằm trong Ngũ Bộ Phật Đảnh, được Đản Sinh từ đỉnh thịt(Nhục kế) trên đầu Phật Thích Ca.
Phật Đảnh Tôn Thắng Phật Mẫu có khả năng trừ khử tất cả mọi nghiệp chướng, phiền não, phá tan mọi ác đạo đã gây ra cho chúng sanh vô số khổ ách. Ngài làm cho chúng sanh nhận được sự hộ trì, che chở của chư vị Bồ Tát trong cuộc sống hiện tại và không bị những chướng ngại khổ não bịnh tật. 
Phật Đảnh Tôn Thắng Phật Mẫu âm Phạn văn là Vijaya, mật hiệu là Trừ Ma Kim Cang, lại còn có tên là Tôn Thắng Phật Mẫu, Trừ Chướng Phật Đảnh. Phật Đảnh, chỉ cho Vô Kiến Đảnh Tướng của Như Lai, người thường không có cách nào hiểu được tướng thù thắng tối thượng ấy. Trong tất cả các Phật đảnh, Tôn Thắng Phật Đảnh có khả năng trừ khử tất cả mọi phiền não nghiệp chướng của chúng sanh, phá tan mọi khổ ách trong ác đạo vì vậy có tên là Tôn Thắng hay Trừ Chướng Phật Đảnh. 
Mặt chính giữa của Ngài Phật Mẫu màu trắng, biểu thị cho sự dẹp yên tai chướng, mặt phải của Ngài màu vàng, biểu thị cho các pháp tăng ích, mặt bên trái của Ngài màu lam, biểu thị pháp hàng phục. Tay nâng Ngài Đại Nhật Như Lai làm Thượng Sư, biểu thị hoài ái: cầm mũi tên, đại biểu sự khơi dậy lòng từ bi của chúng sanh, ấn Thí Vô Úy đại biểu việc dẫn chúng sanh ra khỏi tất cả sự sợ hãi, ấn Thí Nguyện biểu thị sự đáp ứng đầy đủ tất cả tâm nguyện của chúng sanh, cầm cây cung biểu thị cho sự chiến thắng tam giới, trên bàn tay kiết ấn Định nâng bình cam lồ, biểu thị làm cho chúng sanh vô bệnh tật, sống lâu. Chày Kim Cang hình Chữ Thập biểu thị hàng ma, trừ tai chướng để sự nghiệp thành tựu, quyến sách (nghĩa đen: lưới của thế gian, được dụ pháp thâu nhiếp tất cả chúng sanh của chư Phật, Bồ Tát) đại biểu cho việc hàng phục tất cả chúng sanh khó điều phục.
Hình Tượng Tôn Thắng Phật Mẫu 
Phật Đảnh Tôn Thắng Phật Mẫu còn có tên là Đảnh Kế Tôn Thắng Phật Mẫu gọi tắt là Tôn Thắng Mẫu. Hình tượng ngài có ba mặt, tám tay. Trên mỗi mặt có ba mắt. 
Ba Mặt
1. Mặt chính giữa màu trắng, khuôn mặt trầm lặng đẹp đẽ. 
2. Mặt phải màu vàng sáng, trong dung mạo mĩm cười vui vẻ. 
3. Mặt bên trái màu xanh lam của hoa sen xanh, nhìn thấy hàm răng hiện tướng hung nộ, thân như trăng sáng mùa thu không gợn một tí mây, mặt như một cô thiếu nữ tuyệt trần. 
Tám Tay
1. Tay phải thứ nhất cầm chày Yết Ma Kim Cang chữ thập bốn màu để trước ngực. 
2. Tay phải thứ nhì nâng Ngài A Di Đà (hay Đại Nhựt Như Lai) ngồi trên toà sen. 
3. Tay phải thứ ba cầm mũi tên. 
4. Tay phải thứ tư kiết ấn Thí nguyện, đặt phía trước đùi chân phải. 
5. Tay trái thứ nhất kết ấn Phẩn Nộ Quyền cầm quyến sách. 
6. Tay trái thứ hai kiết ấn Thí Vô Úy. 
7. Tay trái thứ ba cầm cung. 
8. Tay trái thứ tư kiết Định ấn nâng bình Cam Lồ. 
Căn cứ vào những lời tường thuật trong nghi quỹ, Tôn Thắng Phật Mẫu dùng Ngài Bồ Tát Bạch Sắc Liên Hoa Thủ Quan Âm và Ngài Bồ tát Lam Sắc Tịch Tịnh Kim Cang Thủ làm tả, hữu thị giả, Tứ Đại Thiên Vương làm hộ pháp. Phía đông là Bất Động Minh Vương tay cầm bảo kiếm, phía Nam là Ái Nhiễm Minh Vương tay phải cầm móc sắt, phía Tây là Trì Bổng Minh Vương tay phải cầm gậy màu lam, phía Bắc là Đại Lực Minh Vương tay phải cầm chày Kim Cang. Tất cả bốn Minh Vương thân đều màu lam, tay trái đều kết ấn Phẫn Nộ Quyền để trước ngực. Tóc, lông mi, và râu của bốn vị Minh Vương như hình lửa cháy, hàm răng lớn phẫn nộ nghiến lại. Tất cả đều mặc quần da cọp, đeo rắn làm chuổi hột, hai chân trái thẳng, chân phải cong lại, đứng oai vệ như lực sĩ.
Tôn Thắng Phật Mẫu Tâm Chú: 
Om. Brum So Ha
Om Amrita Ayuh Dade So Ha
Âm hán Việt: 
Án, A mật lật đô đố bà, bà bà ha.


Ba mươi ba Ứng thân của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát


Tại Trung Quốc và Nhật Bản có truyền thuyết cho rằng Bồ Tát Quán Thế Âm hiển thị qua 33 hình tướng. Trên thực tế, Ngài còn mang rất nhiều hình tướng hơn thế nữa, nếu như người ta đếm được tất cả những hình tướng đã nhận được tên gọi đặc thù, hoặc là do nguồn gốc của chúng, hoặc bởi những phẩm chất riêng được gán cho chúng, hoặc ngay cả tùy theo những phương diện khác nhau mà Ngài đảm nhận cho từng trường hợp đặc thù.Ba mươi ba hình tướng là những Ứng Thân (nirmāṇa-kāya) liên quan đến những truyền thuyết Trung Hoa và Nhật Bản và rất thường được liên kết với những hình tượng về các hình tướng chính của Quán Thế Ân, điều này đã dấy lên phong trào hành hương đến 33 đạo tràng của Quán Âm ở các tỉnh phía Tây Nhật Bản, với niềm tin rằng người nào đã hoàn thành trọn vẹn cuộc hành hương đến tất cả những đạo tràng này thì vĩnh viễn được giải thoát khỏi nỗi lo sợ bị đày địa ngục (vì vậy Quán Âm cũng được gọi là Thí Vô Úy Bồ Tát ). Những hình tướng khác nhau của 33 ứng thân Ngài Quán Thế Âm tương đối xuất hiện hơi muộn, và phần lớn chỉ hiện thị sau thời kỳ Kamakura (1333). Có một số hình tướng thường được biểu thị, nhất là trong hội họa, trong khi nhiều hình tướng khác lại không gợi hứng cho bất kỳ nghệ sĩ nào. Danh xưng của những hình tướng đó cũng biến thiên tùy theo tác giả và bản văn. Một số phát sinh danh xưng từ những truyền kỳ, số khác từ những thần linh Ấn giáo. Theo kinh văn Butsuzo-zu-i, sau đây là 33 hình tướng của Sho Kannon Bosatsu (Thánh Quán Âm Bồ tát).



1.- Dương Liễu Quán Âm/Dược Vương Quán Âm (Yoryu Kannon/Yaku-o Kannon)




Còn có tên gọi khác là Dược Vương Quán Âm, bổn nguyện của Ngài là bạt trừ cứu độ những bệnh khổ của chúng sanh, vì chúng sanh thân nhiều khổ nạn nên Ngài cầm cành dương. Dương liễu mềm mại biểu trưng cho đức tướng ôn hòa nhẫn nhục của Quán Thế Âm Bồ tát. Thân mặc y màu trắng ngà, hình tượng của Ngài biểu hiện sự kỳ nguyện phước đức.

2.- Long Kỵ Quán Âm (Ryuzu Kannon)



Là Quán Thế Âm Bồ tát ngồi trên lưng rồng. Rồng là vua trong các loài thú để biểu thị cho uy lực của Quán Thế Âm Bồ tát; Long Vương đến mang mây mưa sấm chớp chiếu diệu khắp trời đất, thấm nhuần muôn vật, tất cả đều tán thán uy lực của Long vương. Ngài hiện thân ngồi kết già trên mình rồng thuyết pháp cho chúng sanh. 

3.- Trì Kinh Quán Âm (Jikyo Kannon)



Còn gọi là Thanh Văn Quán Âm. Thanh Văn là nghe Phật thuyết pháp được khai ngộ mà xuất gia. “Người đáng dùng thân Thanh Văn được độ thoát Ngài liền hiện thân Thanh văn mà vì đó nói pháp”. Hình tượng của Ngài biểu hiện sự an tường.

4.- Viên Quang Quán Âm (Enko Kannon)



Đây là Quán Thế Âm Bồ tát lòng từ ái viên mãn, biểu trưng bằng ánh quang minh quanh thân. “Sáng thanh tịnh không nhơ, huệ nhật phá các tối, hay tiêu tai khói lửa, khắp soi sáng thế gian”. Thân Ngài được cảm thọ qua đoạn kinh này, hiện tướng thuyết pháp.

5.- Du Hí Quán Âm (Yuge Kannon)



Quán Thế Âm Bồ tát giáo hóa chúng sanh viên thông vô ngại, không câu nệ vào thời gian và nơi chốn, biểu hiện tướng du hý tự tại. Thân màu hồng, Ngài ngoảnh mặt chăm chú nhìn chúng sanh.

6.- Bạch Y Quán Âm (Byakue Kannon)



Ngài Quán Thế Âm áo trắng tương ứng với Pandaravasini. Hình tướng nữ nhân này qua nhiều biểu tượng, thường ngồi trong thế Padmasana (Liên hoa tọa) với tay phải cầm một cuộn kinh Prajnaparamita (Bát nhã Ba la mật) hoặc đôi khi là viên Như Ý Bảo Châu ((Cintamani - viên ngọc ước) ép vào ngực, tay trái để lên chỗ ngồi và cầm một tràng hạt hay sợi dây. Ngài thường được trình bày với một chéo áo trùm tóc, giống như Long Kỵ Quán Âm. Đôi khi ngài ngồi trên hai đóa sen, trên bờ biển sát mép nước, đôi tay làm thủ ấn Dhyana. Đây có lẽ là một hình tướng được gọi là Quá Hải Quán Âm (Guohai Gunyin) ở Trung Quốc. Ngài thường cầm một tràng hạt nơi tay phải, nhưng trong một vài hình tướng Mật Tông, Ngài cầm cổ tay phải trong bàn tay trái. Mẫu Quán Âm này được tìm thấy trên một bệ đá ở Thiểm Tây, Trung Quốc, hình như đã gợi hứng cho biểu tượng Nhật Bản và Như Ý Luân Quán Âm (Cintamanicakra; tiếng Nhật: Nyoirin Kannon). Còn gọi là Bạch Y Quán Tự Tại Mẫu. Toàn thân Ngài mặc y trắng, ngồi kết già trên hoa sen trắng, đầu đội khăn, tay trái cầm hoa sen, tay phải kết dữ nguyện ấn. Màu trắng biểu ý Thanh Tịnh và Tâm Bồ đề, xưa nay mọi người lễ bái Ngài để cầu tiêu tai, trường thọ.

7.- Liên Tọa Quán Âm (Renga Kannon)



Là Quán Thế Âm Bồ tát ứng hiện tọa ngọa trên lá sen. Ngài hiện thân Tiểu Vương trong phẩm Phổ Môn, để thí dụ cho thân Tiểu Vương tôn quý ngồi trên lá sen. Quán Thế Âm Bồ tát ngồi kết già hiệp chưởng, đầu đội mão hoa, hiện tướng từ bi nhu hòa, cổ đeo anh lạc, mặc thiên y, bi nhãn nhìn chúng sanh.

8.- Lung Kiến Quán Âm (Takimi Kannon)



 Còn gọi là Phi Bộc Quán Âm. Nước là vật mềm mại nhất nhưng có thể đối trị sự cứng chắc của đá, từng giọt nước có thể xuyên thủng đá. Sức nước suối từ trên cao chảy xuống rất lớn, tuy nhỏ cũng có thể chảy thành sâu rộng. Quán Thế Âm Bồ tát ngồi nhìn dòng thác, nhưng tâm tư Ngài như tinh thần của dòng nước.

9.- Thí Dược Quán Âm (Seyaky Kannon)



Ngoài việc trị bệnh khổ của chúng sanh về thân và tâm, Quán Thế Âm Bồ tát còn ban bố cho chúng sanh lương dược. Bài kệ trong phẩm Phổ Môn ghi rằng: “Quán Âm bậc Tịnh Thánh, nơi khổ não nạn chết, hay vì làm nương cậy”. Hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát nhìn hoa sen cảm thương chúng sanh nhiều bệnh khổ.

10.- Ngư Lam Quán Âm (Gyoran Kannon)



Là Quán Thế Âm tay cầm giỏ cá và nhánh lá. Do Ngài thấy con sông không có cầu, người qua sông rất dễ ngã xuống. Vì vậy Ngài hóa thân thành một mỹ nữ bán cá, nhưng có điều kiện rằng ai có nhiều tiền ném vào trong giỏ cá thì sẽ cưới làm chồng, nếu ném không trúng thì phải bỏ ra khoản tiền để xây cầu, kết quả chẳng có ai ném trúng. Những người không ném trúng đều phải mang tiền đến, tiền chất thành đống che khuất không còn nhìn thấy Ngài, khi nhìn lại thì mọi người thấy Ngài hóa thân đứng trên sông.

11.- Đức Vương Quán Âm (Toku-o Kannon)



Trong phẩm Phổ Môn chép rằng: “người đáng dùng thân Phạm Vương đặng độ thoát, Ngài liền hiện thân Phạm Vương mà vì đó nói pháp”. Phạm Vương là chủ cõi trời sắc giới, công đức rất lớn, nên còn gọi là Đức Vương. Hình tượng thông thường trong nhân gian là đầu đội bảo quan, ngồi kết già, tay phải cầm nhánh lá, tay trái để trên đầu gối.

12.- Thủy Nguyệt Quán Âm (Suigetsu Kannon)



Tức là Thủy Cát Tường Quán Thế Âm Bồ tát trong Thai Tạng Mạn trà la, mật hiệu của Ngài là Nhuận Sanh Kim Cang, Quán Thế Âm Bồ tát nhất tâm quán thủy tướng, nhập thủy định. Vì vậy hình tượng của Ngài ngồi kết già trên hoa sen nổi trong đại hải, tay trái cầm hoa sen, tay phải kết thí vô úy ấn, trong lòng bàn tay chảy xuống một dòng nước có hình mặt trăng nên gọi là Thủy Nguyệt Quán Âm.

13.- Nhất Diệp Quán Âm (Ichuyo Kannon)



Ngồi hay đứng trên một lá sen trôi trên đại dương. Hình tướng kiểu Trung Quốc này cũng được gọi là Quá Hải Quán Âm (hình tướng 6). Nếu bị nước lớn cuốn trôi, xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, liền được đến chỗ cạn. Có thể thấy hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát hiện trên nước. Ngài ngồi trên hoa sen nổi trên mặt nước, ngắm nhìn nước tâm suy nghĩ sâu sắc đến những nơi tối tăm không ánh sáng (địa ngục).

14.- Thanh Cảnh Quán Âm (Shokyo Kannon/Seitsu Kannon)



Biểu thị Nilakantha, Quán Âm với cổ màu xanh, chủ yếu được biểu thị trong hội họa. Hình thức Mật Tông này được so sánh với thần Siva của Ấn giáo, khi thần đã uống dược trích ly từ biển sữa sau khi được khuấy lên, và từ đó cổ của thần biến thành màu xanh. Hình tướng này được cho là có khả năng khu trừ khó khăn hay bĩ vận.Ngài được trình bày ngồi trên đóa sen hay trên tảng đá. Màu da ngài xanh đen. Những hình tượng của ngài có hai phương diện: với hai tay, tay phải bắt ấn Abhaya, tay trái cầm một đóa sen, dựa trên một tảng đá, một bình nước để gần, hoặc với ba đầu bốn tay, cầm một thiền trượng, hoa sen, một pháp luân và một ốc tù và, chính diện biểu tượng lòng từ bi, đầu bên phải là đầu sư tử, đầu bên trái là đầu lợn lòi. Hình tướng này có lẽ là một phương diện của Marici.


15.- Uy Đức Quán Âm (Itoku Kannon)



Quán Âm uy nghiêm ngồi trong tư thế đường bệ vương giả, một cành hoa sen trong tay trái. Đây là hình tướng được biểu thị phổ biến nhất ở Trung Quốc.
Quán Thế Âm Bồ tát có đầy đủ uy đức để chiết phục và hộ trì chúng sanh. Trong phẩm Phổ Môn có đoạn: “người đáng dùng thân Thiên Đại Tướng Quân đặng độ thoát, Ngài liền hiện thân Thiên Đại Tướng Quân mà vì đó thuyết pháp”. Thiên Đại Tướng Quân có đầy đủ uy đức nên được gọi là Uy Đức Quán Âm. Hình tượng của Ngài là tay trái cầm kim cang xử biểu hiện uy thế để chiết phục tâm cang cường của chúng sanh, tay phải cầm hoa sen ngồi trên bệ đá.

16.- Diên Mệnh Quán Âm (Enmei/Enmyo Kannon)



Quán Âm bảo vệ sinh mệnh của tín đồ. Là Quán Thế Âm Bồ tát bảo hộ thọ mạng chúng sanh. Phẩm Phổ Môn chép: “nguyền rủa các thuốc độc, muốn hại đến thân đó, do sức niệm Quán Âm, trở hại nơi bổn nhơn”. Có thể tiêu trừ chú thuật nguyền rủa và độc dược thêm tuổi thọ, cho nên gọi là Diên Mạng Quán Âm. Ngài đội bảo quan, mặc Thiên y, anh lạc trang nghiêm, 20 cánh tay để dìu dắt và cứu hộ chúng sanh.

17.- Chúng Thực Quán Âm (Shuhu Kannon)



Là hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát tay cầm vàng bạc vật báu. Nếu có chúng sanh vì tìm cầu báu vật như vàng bạc, lưu ly, mã não, san hô, hổ phách, trân châu... vào trong thâm sơn đại hải, giả sử gió lớn thổi trôi dạt đến nước quỷ La Sát, nếu có một người xưng danh hiệu Ngài, thì đều được giải thoát. Hình tượng của Quán Thế Âm Bồ tát biểu hiện sự an ổn.

18.- Nham Hộ Quán Âm (Iwato Kannon)



Là hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát ngồi trong hang đá. phẩm Phổ môn chép: "Rắn độc cùng bò cạp, hơi độc khói lửa đốt, do sức niệm Quán Âm, theo tiếng tự bỏ đi". Thường trong hang động có nhiều chướng khí và trùng độc, là chỗ có nhiều nguy hiểm đối với những người qua núi, Quán Thế Âm hiện ra thì mọi nguy hiểm đều tiêu tan hết. Quán Thế Âm Bồ tát hiệp chưởng tĩnh tọa trên hoa sen, trong hang hiểm tối tăm hiện ra ánh sáng.

19.- Năng Lĩnh Quán Âm (Nojyo/Nosho Kannon)



Ngài Quán Âm đem lại bình yên tĩnh lặng. Dựa vào một tảng đá. Quán Thế Âm Bồ tát cứu giúp thủ hộ những người gặp nạn được an ổn. Hoặc trôi dạt biển lớn, các nạn quỷ cá rồng, do sức niệm Quán Âm, sóng mòi chẳng chìm đặng. Quán Thế Âm Bồ tát là thần thủ hộ trên biển. Hình tượng của Ngài biểu hiện tướng tĩnh lặng.

20.- A Nậu Quán Âm (Anoku Kannon)



Ngồi trên một tảng đá de ra trên mặt biển, ôm gối, hoặc cầm cuộn kinh hay như ý bảo châu (cintanami) trong tay. Ngài bảo vệ các loài thủy tộc và cứu vớt tín đồ khỏi chết đuối. Quán Thế Âm Bồ tát ngồi trên bệ đá quán sát mọi động tĩnh của đại hải. Thệ nguyện của Ngài như bài kệ:“ông nghe hạnh Quán Âm, khéo ứng các nơi chỗ, thệ rộng sâu như biển, nhiều kiếp chẳng nghĩ bàn”. Hình tượng của Ngài đầu búi tóc thiên kế, mặc Thiên y màu vàng, tay trái cầm mảnh y trước bụng, tay phải thả trên gối phải, mắt nhìn đại hải, hạnh nguyện của Ngài xua tan những hiểm nạn trên biển làm cho tất cả định tĩnh không còn tai ương.

21.- Vô Uý Quán Âm (Amadai Kannon)



Hình tượng của Ngài rất đặc thù có ba mắt bốn tay, ngồi trên lưng sư tử trắng, đội bảo quan, hai tay bên phải, một tay cầm hoa sen trắng, một tay cầm con chim cát tường trắng; hai tay bên trái, một tay cầm pháp khí hình con phượng 3 đầu, một tay cầm con cá. Khắp thân có ánh sáng, mặc thiên y đeo anh lạc, diên mạo rất đoan nghiêm.

22.- Diệp Y Quán Âm (Hae/Hiyoe Kannon)



Hình tướng này của Quán Âm mang lá có lẽ có thể đồng hóa với Parnasabari "người thầy thuốc dùng lá cây" trong thần phổ Ấn giáo. Trong Mạn đà la Garbhadhatu, hình tướng này có hai cánh tay và cầm một viên ngọc vây quanh với những ngọn lửa hoặc một sợi dây trong tay phải, và tay trái cầm một đóa sen. Được biểu thị với một làn da thật xanh xao nhợt nhạt, đôi khi bằng ngoại hình nữ nhân với bốn cánh tay: hai tay phải trong thủ ấn Varada và giữ viên ngược ước trên ngực, hai tay trái cầm một cái trục xe và một sợi dây. Khi ngồi trên chiếu hoa hay trên tảng đá, đôi tay dấu trong các ống tay áo. Mật danh của hình tượng này là Jogyo Kongo.
Ngài hiện thân Thiên nữ, đội bảo quan, trên bảo quan có hóa thân Vô Lượng Thọ Phật. Quanh thân có vòng lửa, ánh sáng trong suốt khắp thân. Có bốn tay, hai tay bên phải, một tay cầm quả cát tường để trước ngực, một tay kết thí nguyện ấn; hai tay bên trái, một tay cầm rìu, một tay cầm sợi dây, ngồi trên hoa sen. Diệp Y Quán Âm là vị Bồ tát của nông dân cầu nông cụ và cầu không bệnh dịch, tai nạn, trùng độc.

23.- Lưu Ly Quán Âm (Ruri Kannon)



Ngài Quán Âm với ngọc lưu ly xanh biếc trong suốt. Cầm một viên bảo châu tròn và đứng trên chiếc lá trôi trên nước. 
Tương truyền vào thời Bắc Ngụy, Tôn Kính Đức trấn giữ biên cương, ông tạo tượng Quán Thế Âm Bồ tát để tôn thờ. Sau bị Di Địch bắt xử cực hình. Ông nằm mộng thấy thầy Sa Môn dạy phải trì tụng một ngàn biến kinh “Diên Mạng Thập Cú Quán Âm”, lúc tử hình ông ba lần chém nhưng không chút thương tích, nên ông được tha chết. Vì phụng thờ lễ bái Quán Thế Âm Bồ tát mà đầu ông còn hiện ba vết sẹo. Hình tượng Ngài cầm bình lưu ly xanh, đứng trên cánh hoa sen du hóa trên mặt nước.

24.- Đa La Tôn Quán Âm (Tarason Kannon)



Đây là một Tara, nữ thần của Quán Âm đã được nhắc đến trong thế kỷ thứ 7 bởi Huyền Trang. Hình tướng nữ nhân này được sinh ra từ tia sáng trong đôi mắt của Quán Thế Âm. Một vài kinh văn đồng hóa Ngài với Maya, mẹ của Thích Ca Cồ Đàm; trong Mạn đà la Garbhadhatu, Ngài được biểu thị như một người phụ nữ đã trưởng thành.
 Dùng vật báu vô giá trang nghiêm thân để trừ khổ não cho chúng sanh, tất cả chúng sanh vui ưa vào pháp giới chư Phật. Ngài hiện thân người con gái, tướng mạo từ bi, mặc y trắng, hai tay hiệp chưởng cầm hoa sen xanh; quanh thân có hào quang thanh tịnh, đầu búi tóc. Trước ngực đeo anh lạc ngồi trên bệ đá ngắm nhìn chúng sanh.

25.- Cáp Lỵ Quán Âm (Kori Kannon)



Chính là hình tướng của Ngài Quán Âm bên trong vỏ hàu. Tương truyền, vua Đường Văn Tông thích ăn thịt con hàu, một ngày nọ vua bắt được một con sò lớn, vua dùng dao mổ hoài mà không mở được vỏ sò, ông mới đốt hương cầu nguyện, con sò hóa thành Quán Âm Đại Sĩ. Nhà Vua triệu vị thiền sư đến nói: người đáng dùng thân đặng được độ, thì hiện thân này mà nói pháp. Hiện thân Đại Sĩ là việc hy hữu không tin hay sao. Nhà vua rất vui liền ban chiếu chùa chiền trong khắp thiên hạ tạo tượng Đại Sĩ để tôn thờ. Đây là sự tích của Cáp Lỵ Quán Âm.

26.- Lục Thời Quán Âm (Rokuji Kannon)



Quán Âm suốt sáu khắc trong ngày (mỗi khắc là hai giờ ngày nay). Ngài cầm quyển sách trong tay.  Là vị Bồ tát ngày đêm từ bi thủ hộ chúng sanh. Thời xưa miền Bắc Ấn Độ một ngày đêm chia làm sáu thời, một năm cũng chia làm sáu thời là: “nắng ít, nắng nhiều, mưa, mát, lạnh ít, lạnh nhiều”; Do đó mà nói thành “Quán Thế Âm thường trông chúng sanh”.

27.- Phổ Bi Quán Âm (Fuhi Kannon)



Quán Âm với lòng từ bi vô lượng muốn phổ độ tất cả chúng sinh. Đôi khi tay được phủ trong tà áo. Quán Thế Âm Bồ tát từ bi thương tất cả chúng sanh, khắp trong tam thiên đại thiên thế giới. “Người đáng dùng thân Đại Tự Tại Thiên được độ thoát, liền hiện thân Đại Tự Tại Thiên mà vì đó nói pháp”. Vì lòng từ bi và uy đức của Ngài rất lớn phổ chiếu tất cả tam giới cho nên có tên gọi là Phổ Bi Quán Âm.

28.- Mã Lang Phụ Quán Âm (Merofu Kannon)



Đời Đường có một mỹ nữ mà những người con trai đều tranh nhau cưới, nàng nói trong một đêm nếu đọc thuộc được phẩm Phổ Môn sẽ lấy làm chồng, đêm ấy có hai mươi người thuộc, lại một đêm tụng trọn bộ kinh Kim Cang cũng sẽ lấy làm chồng, đêm ấy còn lại mười người, sau ba ngày có thể tụng thuộc Kinh Pháp Hoa thì sẽ kết ước. Trong số đó chỉ có người thanh niên họ Mã được chọn. Ngày kết hôn người con gái bỗng dưng chết biến thành ánh sáng bay lên không trung biến mất. Hình tượng Ngài cầm quyển Kinh Pháp Hoa và cây gậy có hình đầu lâu.


29.- Hợp Chưởng Quán Âm (Gassho Kannon)



Chính là hình tượng Quán thế Âm Bồ tát chắp tay cung kính lễ biểu thị tu thiện tích đức. Nếu có chúng sanh nhiều lòng dâm dục, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ tát thì liền được ly dục, nếu người nhiều sân nhuế, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ tát thì liền được ly sân, nếu người nhiều ngu si thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ tát, thì liền được ly si.Tâm không vô niệm thì liền hiển hiện cảnh giới tam muội. Ngài mặc y trắng chấp tay ngồi trên bệ đá.

30.- Nhất Như Quán Âm (Ichinyo Kannon)



Quán Thế Âm Bồ tát cưỡi mây bay trong hư không chinh phục lôi điện sấm sét. Phẩm Phổ Môn chép: “mây sấm nổ sét đánh, tuông giá xối mưa xuống, do sức niệm Quán Âm, liền đặng tiêu tan cả”. Nhất như có nghĩa là bất nhị, bất dị; Bất Nhị Bất Dị là Chơn Như. Chơn Như là sự sự vô ngại biến mãn khắp pháp giới. Quán Âm diệu trí lực chính là pháp quán nhất như.

31.- Bất Nhị Quán Âm (Funi Kannon)



Là biểu tượng bổn và tích bất nhị của Quán Thế Âm. Phẩm Phổ Môn chép: “người đáng dùng thân chấp kim cang Thần đặng độ thoát, liền hiện Chấp Kim Thần mà vì đó nói pháp. Quán Thế Âm là vị thủ hộ cho Phật, cũng là ứng hóa thân của Phật, vì bổn và tích đều chẳng phải hai nên gọi là Bất Nhị Quán Âm. Hình tượng Ngài ngồi trên bệ đá hai tay chấp trì kim cang xử. 

32.- Trì Biên Quán Âm (Jiren Kannon)



Là Quán Thế Âm Bồ tát tay cầm hoa sen. Quán Thế Âm Bồ tát lấy hoa để biểu trưng cho bổn thệ, vì cầm hoa sen đã nở hay chưa nở nên còn gọi là liên hoa thủ. Vì hoa sen có nhiều nhơn duyên đặc thù nên cũng lấy hoa sen làm đài. Hình tượng Quán Âm đứng trên lá sen, hai tay cầm hoa sen, đầu đội bảo quan, mặc thiên y, viên mãn trang nghiêm.

33.- Sái Thủy Quán Âm (Shasui Kannon)



Là Quán Thế Âm Bồ tát đứng trên tường vân tay cầm chén nước rưới xuống. Lòng bi răn như sấm, ý từ diệu dường mây, như mưa pháp cam lộ, dứt trừ lửa phiền não. Sái thủy là rưới một loại nước thơm, là pháp tu tụng niệm gia trì làm cho thanh tịnh. Đây là bổn thệ của Quán Thế Âm để khai ngộ Phật tánh của tất cả chúng sanh.

~~ooo~~

*Danh sách này không tuyệt đối cố định và có thể tìm thấy nhiều dị bản. Tương tự như vậy, rất nhiều những hình tướng này cũng không rõ ràng dứt khoát và không phải lúc nào ta cũng có thể biết chính xác chúng tương ứng với cái gì. Hình tướng của Quán Thế Âm không giới hạn vào ba mươi ba hình tướng này. Bởi vì Quán Thế Âm, từ bản chất là một vị Bồ tát đầy lòng từ bi, nên ngài luôn luôn được sùng mộ sâu xa. Do vậy, dân chúng vào mọi thời, đã tạo ra những hình tướng khác nhau và đặt ở khắp nơi, những hình tướng thường mang sắc thái hòa đồng tôn giáo. Những phương diện của Quán Thế Âm đôi khi còn được bội nhân, như thể sự gia tăng số lượng có thể làm tăng thêm quyền năng nhìn thấy và phổ biến lòng từ bi. Chúng gồm "Bách Quán Âm" trong chùa Hojo, "Thiên Quán Âm" trong chùa Sanjusangendo ở Kyoto và "Tam thiên Quán Âm" ở Shizuoka cho Nhật Bản, những nhóm tám hay ba mươi hai Quán Âm ở Trung Quốc và "Thiên Quang Phật" trong nghệ thuật Khmer và Miến Điện.Ở Nhật, nơi những hình tướng này xuất hiện đông đảo nhất, còn gồm có Thủy Thượng Quán Âm (Nurete Kannon) nơi chùa Kiyomi-zu-dera ở Kyoto mà tín đồ có tập tục dìm mình xuống nước. Tuy nhiên Quán Âm được biểu thị nhiều nhất là trong những hình tượng Raigo, chân quỳ, hai tay đưa một đóa hoa sen (hay một khay đựng hoa sen) cho tín đồ đi đến trú xứ Sukhavati, Tĩnh Thổ của Phật A Mi Đà.

Chia sẻ một số bộ Kinh mà mình có được

Kinh văn là một phương tiện quan trọng giúp truyền bá Giáo Lý của Phật cho chúng sinh. Phật từng dạy, có đến Tám vạn bốn ngàn Kinh văn từng được Phật tuyên thuyết, nhưng Phật cũng dạy, những điều Phật đã dạy chỉ ví như nắm lá khô trên tay, còn Pháp thực sự mà Phật không dạy hết được lại ví như cả một cánh rừng rộng bao la.
Hôm nay, mình có duyên được hạ tải một số ít Kinh sách mà mình sưu tập được qua các trang mạng, nay xin chia sẻ lại cùng các bạn, các đạo hữu thân mến, cầu mong chúng sanh sớm thoát khỏi bể khổ.



Mong chúc các bạn thân và tâm luôn an lạc.


Chia sẻ hình Phật đẹp

Hôm nay mình xin chia sẻ link download hình ảnh của các vị Phật, Bồ Tát ... rất đẹp, đặc biệt là các bức Thang-ka mang một màu sắc, vẻ đẹp huyền bí và mạnh mẽ.





+Bổ sung một MP3 mới là Vãng Sanh Thần Chú: Là MP3 của Thần Chú Vãng Sanh, mang công năng bất khả tư nghị, có thể giúp những hành giả, những vong linh nghe được, Vãng Sanh lên cõi Niết Bàn.


Chúc các bạn được an lạc và chúc mừng năm mới



Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Mười Câu Chuyện Thời Phật Tại Thế - Phần II


Mười Câu Chuyện Thời Phật Tại Thế - Phần I


Mẹ chính là Phật


Ngày xưa, có một anh thanh niên, tuy gia cảnh nghèo túng, nhưng anh thường đọc kinh nói về Phật, thích lắm, nhưng lại tò mò, chẳng tưởng tượng được hình hài của Phật như Kinh đã tả:
"Thân Phật sắc Hoàng Kim, cao một trượng sáu, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hào quang chói sáng"...
Anh có một tham vọng rất lớn lao: đó là, được một lần chiêm bái dung mạo thật của Đức Phật. Anh hằng ngày làm lụng thật vất vả, rồi dùng số tiền dành dụm được, cất công một chuyến để chiêm bái bằng được Đức Phật, như anh vì làm việc quá cực nhọc, mà quên mất, ở nhà còn một người mẹ già nua, thường bệnh tật.

.............

Rồi một ngày kia, anh cũng đã để dành được một khoảng vốn, đủ cho anh ngao du khắp nơi để diện bái Đức Phật. Nhưng do Đức Phật đã Nhập Diệt từ lâu rồi, mà anh không hề hay biết. Anh cất công trèo đèo lội suối, băng rừng vượt biển, nhưng chưa gặp được Đức Phật.
Một hôm, do mệt mỏi, anh ngồi nghỉ chân tại cánh rừng trúc nọ, bỗng có một cụ già từ từ bước lại, anh thấy cụ, mừng rỡ chạy lại và hỏi:

-Thưa cụ, cụ có biết Phật đang ngụ ở đâu không... Xin chỉ dùm cho con với.



Ông lão mỉm cười:
- Ồ! Nơi nào mà không có Phật... Trên quãng đường vừa qua, chả lẽ con không gặp được Ngài ư...?
- Thưa cụ, trên đường đi con đã từng gặp vô số người, nhưng đều là hạng phàm phu tục tử cả. Con chưa từng thấy người nào có được vài tướng tốt như trong kinh đã mô tả về Phật cả.
Ông cụ cười ha hả:
- Cháu ngốc nghếch thật, cháu không biết rằng cái thân đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp đó người Ấn Độ đã đốt thành tro và chia nhau xây tháp thờ cúng cả rồi ư...
- Thưa, thế thì Phật chết rồi sao...
- Hiện giờ Đức Phật đang phân thân ở khắp mọi nơi. Ngài cũng mang thân tốt và xấu như chúng sinh vậy. Con có còn muốn gặp Ngài nữa không...
- Thưa, dù bất cứ với hình dáng nào, nếu đích thật là Ngài thì con vẫn vô cùng khát ngưỡng.
- Vậy thì, để ta mách nước cho con nhé... Con hãy quay về, trên đường về nếu con gặp người nào mang guốc trái ở chân phải, guốc phải ở chân trái thì người đó chính là một hóa thân của Phật. Hãy thừa sự và cúng dường vị Phật ấy như trong kinh đã dạy.
Anh thanh niên mừng rỡ, cúi mình đáp tạ cụ, nhưng khi anh ngước lên, thì ông cụ đã biến đi đâu mất, chỉ còn vương lại một vầng Hào Quang rạng rỡ.

..............

Anh vui mừng lần theo lối cũ trở về, như anh để ý mãi mà chẳng có ai đúng như lời ông cụ mô tả cả.
Khi về đến cửa nhà, phần thì mệt, phần thì thất vọng, anh không cất tiếng gọi, mà anh lại gõ cửa. Người chạy ra mở cửa là một người phụ nữ già nua, trên cặp mắt nhăn nheo là hai hàng lệ ròng ròng. thì ra bà vội mở của cho con mà quên xỏ nhầm hai chiếc dép khác màu, mà lại còn xỏ ngược nữa.
Anh thanh niên nhìn thấy mẹ, thì anh vui mừng đến rơi lệ, quỳ xuống ôm lấy và hôn lên bàn tay của mẹ mà thì thầm: "Ôi! Đức Phật đáng kính của con".

Lời bình: Nhiều người mang tâm vọng tưởng, tưởng như chỉ có thể thờ cúng Đức Phật được ở chốn chùa chiền, như lại bỏ quên vị Phật đang ở nơi nhà. Dù đi đâu, dù làm gì thì cha mẹ luôn luôn dõi theo bước chân của con cái mình. Phận sự của một người con của cha mẹ, một người con Phật thì phải phụng dưỡng cha mẹ tử tế, không để cha mẹ buồn khổ thêm vì ta nữa.